Ngô đồng – Triều dương

Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận giai thu

Nguyễn Huỳnh Thuật, người yêu thiên nhiên “hơn cả bản thân”

Tuổi trẻ Hành động vì Bảo vệ Môi trường và Hoà bình

Bạn có quan tâm đến bảo vệ thiên nhiên, môi trường và xây dựng hòa bình thì bạn không thể bỏ qua Nguyễn Huỳnh Thuật -Người bạn trẻ dành cả sự nghiệp, tuổi trẻ tâm huyết bảo vệ “Bà Mẹ Thiên Nhiên”, “Mẹ Đất” và chung tay xây dựng hòa bình thế giới.

Thuở ấu thơ- Nhà Nhỏ Ven Rừng & Ước Mơ Cháy Bỏng  

Là con cả trong gia đình nông dân nghèo khó sống cạnh rừng và gồm 4 anh em, ngay từ bé Thuật đã đi lượm-hái củi, mót lúa, hái rau nuôi heo, kể cả việc đở đẻ heo cũng như “thiến heo” để phụ giúp gia đình cải thiện kinh tế, mình và các em tiếp tục đến trường. Tuy thế, Thuật vẫn luôn là học sinh giỏi của trường Phổ thông cơ sở cấp 2 Hòa Phong, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Đặc biệt là Thuật đam mê và học giỏi môn Sinh học. Thuật đã nhận thức tầm quan trọng của cây xanh là hút khí CO2 và thải khí Oxy làm sạch không khí, cây giữ nước và góp phần làm hạn chế hạn hán, lũ lụt,…Từ nhỏ Thuật đã trải nghiệm với khu rừng và phần nào hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa rừng, thiên nhiên và con người. Ngay từ lớp 8 Thuật đã có chí nguyện thi vào ngành nào mà mình sẽ hiểu thêm về cây, về rừng để bảo vệ cây, bảo vệ rừng, bảo vệ những mảng xanh quý báu còn sót lại. Qua thời gian cùng với việc chứng kiến cảnh khu rừng ven nhà bị triệt phá ngày càng trơ trọi, những cơn lũ lớn hàng năm cuốn chết nhiều người càng hun đút ý chí quyết tâm Thuật thi vào ngành Lâm nghiệp. Thuật muốn góp phần hiểu biết và sức mình để bảo vệ cây xanh, những mảnh rừng còn đó như bảo vệ bà mẹ thương yêu nhất còn lại của mình.

Đại học nông lâm Tp. HCM đến Tokyo, Nhật Bản: Những Chốn Phồn Hoa Đô Hội

Những năm cuối cấp Thuật nỗ lực hết mình để vào được Đại học chuyên ngành về rừng, bù đắp lại nổ lực này Thuật được chọn vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh (Phú Yên). Với nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với chút may mắn, Thuật chạm được ước mơ cháy bỏng khi thi đỗ năm đầu vào ngành lâm nghiệp trường đại học Nông Lâm TP.HCM năm 1995. Khi học Đại học, Thuật hàng ngày phải đạp xe vượt đoạn đường xa 20km cho mỗi lượt đi dạy kèm để trang trải thêm chi phí ăn ở và học thêm Anh Văn vào mỗi tối tại trung tâm Anh ngữ của trường-một môn học mà với điểm bình quân cuối năm 4,4 đã làm cho Thuật không được xếp loại giỏi tốt nghiệp phổ thông trung học. Ôm mối hận “Anh văn” và bằng sự nỗ lực không ngừng, sau gần 3 năm học Anh văn tại trường Thuật đã thi đạt chứng chỉ C tiếng anh loại khá, đạt TOEFL trên 500 điểm, đoạt giải nhất Sinh Viên Nông Lâm giỏi tiếng Anh vào năm 1998, giải xuất sắc hùng biện tiếng Anh của trường chủ đề “Những vấn đề Môi trường TP.HCM và giải pháp”, giải khuyến khích thuyết trình tiếng Anh cho người trẻ chuyên và không chuyên tiếng Anh dưới 35 tuổi tại TP.HCM do công ty Prudential tổ chức,… cũng như được đại học Nông Lâm Tp. HCM và Đại học Quốc gia TP. HCM công nhận là sinh viên tiêu biểu điển hình, được nhận học bổng của Hội Sinh viên Việt Nam cho những sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp hạng cao Thuật “khước từ thảm đỏ” với những cơ hội tốt đẹp và hiển vinh làm việc tại HCM để tình nguyện trở về với rừng già, rừng đại ngàn Cát Tiên.

Đến Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Về Với Rừng Già

Thuật  được nhiều tổ chức nước ngoài tại Tp.HCM mời vào làm việc nhưng Thuật đã từ chối và quyết định đến VQG Cát Tiên làm việc khi nguyện vọng về với rừng, cộng đồng dân nghèo ở đây được chấp nhận. Ở Cát Tiên, sau khi tìm hiểu thực tế cặn kỹ về rừng, cộng đồng, học sinh và du khách về thái độ và ý thức môi trường của họ, Thuật chủ động góp phần xây dựng chiến lược và hoạt động giáo dục môi trường (GDMT) cho Cát Tiên, xuất bản các tài liệu tuyên truyền và đi giảng dạy ở các trường cấp 1, 2, 3 trong vùng Cát Tiên cũng như tố chức các cuộc hợp tuyên truyền ý thức cộng đồng bảo vệ rừng, môi trường theo từng thôn, xóm và đối tượng (phụ nữ, thanh niên, cán bộ, đội giao khoán rừng,…), giám sát đánh giá dự án bảo vệ rừng và phát triển nông thôn, nghiên cứu hệ thống kiến thức bản địa và các giá trị văn hóa tâm linh của người dân địa phương, đặc biệt là người bản địa Mạ, Stiêng phục vụ cho quản lý đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Cát Tiên cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học ở Cát Tiên. Năm 2005 Thuật đã tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội với để tài đạt xuất sắc: “Nghiên cứu kiến thức bản địa của người Mạ và S’tiêng trong quản ly tài nguyên rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên”.  Thuật rất hạnh phúc kể lại khi năm 2005 được sự đồng ý của chính quyền địa phương, anh có tổ chức giảng dạy lớp tình nguyện tiếng Anh và các môn khác cho các em học sinh cấp 3 người dân tộc bản địa tại xã Tà Lài sống cạnh VQG Cát Tiên. Sự quan tâm đến giới trẻ bản địa có tri thức trong việc bảo vệ rừng đã được đền đáp phần nào khi hai em K’Bá và K’Ngân người dân tộc Mạ thi đậu vào học trung cấp. Đặc biệt là em K’Tiên là người dân tộc đầu tiên ở Cát Tiên thi đậu cả hai trường Cao Đẳng và Đại học và hiện đang theo học một trường đại học tại HCM, có khả năng giao tiếp với người nước ngoài. Thành quả ấy là của tất cả nhiều người nhưng em và gia đình đã chia sẻ rằng: sự thật là nhờ vào công sức không nhỏ và tình yêu thương lớn, sự kiên nhẫn tận cùng của “Thầy Thuật”. Với anh Thuật, thì đây cùng với những lá thư chuyển hóa chia sẻ đến anh, những thương yêu và ấm áp gửi đến anh và có lẽ đây là những phần quà quý giá nhất mà anh cần, hạnh phúc nhất mà anh có không chỉ trong ngày 20/11 vừa qua mà mỗi ngày, mỗi giây phút, mỗi sát na anh trải qua. Đây cũng là nguồn sống, nguồn động lực lớn lao để Thuật gắn kết keo sơn với Cát Tiên.

Tiếp nối tốt đẹp, kết nối và lan tỏa hiểu thương-Niềm tin và Tình yêu lớn.

Ngoài những việc làm cụ thể dâng hiến cho rừng, cho “Mẹ Cát Tiên” và cộng đồng nơi đây thì Thuật cũng luôn tận dụng cơ hội tốt nhất để có thể chia sẻ hiểu thương, niềm tin yêu và tình yêu lớn ngày càng sâu rộng đến với tất cả mọi người và mọi loài có thể. Riêng thời gian gần đây, đáng chú ý nhất là chỉ tính riêng trong tháng 11 này, anh đã tham gia báo cáo, thảo luận ở các hội thảo khu vực, quốc gia và quốc tế lớn. Cụ thể, Thuật là người trẻ nhất tham gia và có báo cáo tham luận quan trọng tại hội thảo quốc tế UNESCO về quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển khu vực Đông Nam Á (Ecotone-SeBRnet 2007) được tổ chức ở Trung Quốc từ  07/11 đến 13/11/2007 và hội thảo quốc gia thập niên liên hiệp quốc giáo dục vì phát triển bền vững (UN Decade of Education for Sustainable Development) tại khách sạn Rex TPHCM vào 15, 16/11/2007. Gần đây nhất, ngày 26, 27/11/2007 Thuật lại tham gia hội thảo quốc gia về rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Khu dữ trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tương Lai-Mạng Lưới Thanh Niên Thế Giới Hành Động vì Môi trường và Hoà bình

Thuật chia sẻ rằng: “Hành động bắt nguồn từ suy nghĩ và ý thức, hiểu và bảo vệ môi trường của tự thân là nền tảng để bảo vệ môi trường đất nước và môi trường thế giới. Môi trường của tự thân trước hết đó là thân tâm mình rồi đến gia đình mình, xóm làng giềng, cộng đồng nơi mình đang sống. Hòa bình cũng vậy, hòa bình của tự thân và hòa bình thế giới có quan hệ mật thiết, tâm bình thế giới bình, tâm không an thì gia đình, đất nước và thế giới sẽ không an và môi sinh, môi trường tiếp tục mãi tàn phá. Mỗi giây phút, mỗi hơi thở quý giá biết chừng nào?! Ta phải biết nắm lấy mọi thời cơ thuận tiện và nắm lấy hơi thở ý thức, nắm lấy phép “hiện pháp lạc thở” để cùng nhau góp sức xây dựng một tình liên đới trên nền tảng hiểu sâu-thương nhiều, nghĩa tình son sắc, ơn sâu nghĩa nặng vì một môi trường trong lành, vì nền hòa bình và hạnh phúc chung, điều đó cao quí hơn tất cả mọi cơn lửa đang bốt cháy trong ta cũng như mọi bất đồng, tranh luận, dục tình, tham đắm,… do đầu óc ta tưởng tượng, do màn chắn (màn che, người tình giả dối, ma quỷ) trong ta tạo nên. Cùng nhau thực hiện ước mơ bảo vệ môi trường, hòa bình và hạnh phúc tự thân cùng với bảo vệ môi trường, hòa bình và hạnh phúc tập thể là có thể tránh được sự chia cách, thiếu/mất đoàn kết nhằm góp phần tránh hiểm họa diệt vong cho toàn thể nhân loại sớm. Trong mọi vấn đề, sự việc như nên xem như là cơ hội tốt để ta vượt qua thành trì ngăn chia của tri giác sai lầm, của nghi kỵ, đố kị, tị hiềm, sợ hãi, tham đắm,…với tình thương yêu lớn, vô biên, vô điều kiện, vô phân biệt nhằm kết hợp mọi người, mọi quốc gia, mọi tín ngưỡng, mọi chế độ, mọi sắc tộc, màu gia,… lại với nhau. Nếu chúng ta không kết hợp lại để cùng nhau bảo vệ hòa bình, hạnh phúc, môi sinh/môi trường, cảnh quan thiên nhiên-văn hóa tuyệt mỹ thì đương nhiên tất cả chúng ta sẽ bị hủy diệt sớm. Đất mẹ, “Mẹ” đang khẩn cần chúng ta hiểu và giúp mẹ, nỗi đau-nỗi lo của một phần đất mẹ là nỗi đau-nỗi lo của toàn cơ thể mẹ, toàn thể gia đình trong mái nhà xanh chung. Nỗi đau-nỗi lo-nỗi sợ của những hệ quả-hệ lụy của cơn đại sóng thần vừa qua là nỗi đau-nỗi lo-nỗi sợ trên toàn cõi thế gian này. Nếu chúng ta cùng có tâm an-tâm tịnh, cùng hiểu sâu-thương thấu và hợp tác để giải quyết vấn đề thì tất cả sẽ được sống sót, con người cũng như tất cả các loài sinh vật khác trên trái đất. Lúc ấy mới có thể hy vọng hòa bình và tương lai còn có mặt cho con cháu chúng ta, sự tiếp nối chính ta. Nguyện ngày an lành, đêm an lành đến với người thương và muôn loài trên hành tinh xinh đẹp này”.

Hiện Thuật được chọn vào danh sách bình chọn đại diện thanh niên Châu Á để tham gia và thuyết trình tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thanh Niên Thế Giới được tổ chức tại thành phố Québec, Canada từ ngày 10 đến 21 tháng 8 năm 2008. Anh đã sẵn sàng đến với hội nghị này bằng sức trẻ, năng lực tốt, kinh nghiệm nhiều và muốn đưa đến tất cả mọi người một tâm nguyện “Mọi người nên ý thức sâu sắc rằng có mối liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên. Cái gốc của con người nằm ở các loài khoáng vật, các loài thực vật và các loài động vật khác. Bảo vệ môi trường tức là bảo vệ chính mình.Thanh niên phải hành động ngay việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là hiện tượng nóng dần lên của trái đất. Cùng liên kết và chung tay chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ “Mẹ” yêu là đều có thể làm được”Anh cũng muốn nhấn mạnh đến “vai trò đa dạng văn hoá trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như vai trò của thanh niên trong việc làm chủ tương lai thời đại mới”. Được tham gia hội nghị này là cơ hội lớn để Thuật “thiết lập xây dựng mạng lưới 4Es (4Es: Envrionment Ethics Education in English for Peace and Environment) và mạng lưới thanh niên thế giới hành động vì bảo vệ môi trường, hòa bình và phát triển bền vững với nền tảng cơ bản là đạo đức môi trường  trong tình hình hiện nay”. Để đưa những ý tưởng của mình thành hiện thực, bước đầu tiên Thuật sáng kiến khởi sướng và chủ đạo cộng tác thực hiện bằng tiền túi của mình trang web mainhaxanh.org bằng tiếng Việt và trang ourmothernature.org bằng tiếng Anh. Logo trang web sẽ ra đời chuyển thêm thông điệp của anh:

“Hiểu thương đến với nhau,

Loài người tay trao chuyền tay

Cho em thơ mai sau

Ngát xanh mái nhà này”

Chúng ta hãy ủng hộ trái tim và công việc của anh Thuật, chúng ta cùng nhau kết nối và lan tỏa hiểu thương ngày càng sâu rộng, cùng chung tay bảo vệ môi trường và kiến tạo hòa bình tự thân và thế giới tốt nhất trong khả năng và điều kiện có thể quý vị nhé!

Trân quý hơi thở, sự sống và sát na hiện tại,

Thở và Cười!

Thùy Dung-Thị Hương (ngày 07 tháng 12 năm 2007).

September 6, 2012 - Posted by | XOAY VẦN

2 Comments »

  1. Cảm ơn anh Thuật rất nhiều. Cảm ơn anh “Ngô Đồng” đã chia sẻ những công việc vô cùng quý báu, mà anh Thuật, anh và tất cả các anh đã, đang và sẽ làm.

    Comment by Lê Chí Hưng | September 10, 2012 | Reply

  2. […] nhà xanh Nhạc: Thành Phước, Lời: Huỳnh Thuật Share this:TwitterFacebookLike this:LikeBe the first to like […]

    Pingback by MÁI NHÀ XANH – NHẠC: THÀNH PHƯỚC, LỜI: HUỲNH THUẬT « Saving Cattien National Park | September 11, 2012 | Reply


Leave a comment